Home » » NHỚ VỀ CÀ PHÊ “THẰNG BỜM”

NHỚ VỀ CÀ PHÊ “THẰNG BỜM”

Written By tâm tâm on Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013 | 02:15

Posted on by quephuong2010




Logo vannghe A


Tr tre con AQUÁN THẰNG BỜM



Thưa bạn cà phê một thời,


Một ngày nào đó… Gặp lại bạn xưa trường
cũ Kiến Trúc miền Đông cũng như trường xưa bạn cũ Nguyễn Trãi – Chu Văn
An 56-63, với tôi bạn bè là cái gạch nối giữa hiện tại và quá khứ. Mà
gặp nhau qua điện thư nên viết trở thành những nhiễu sự cần phải có,
nhưng nhiễu nhương là chẳng biết viết gì. Một mảnh vườn, vài chậu
bonsai, năm ba món đồ cổ, ngắn gọn rõ ra chỉ từng ấy và không hơn. Viết
về mình ư!  Về tình đầu, tình giữa, tình cuối không tránh được những
trái khoáy vì đang nằm ở cái tuổi già thì chưa già, nhưng ắt hẳn chẳng
còn trẻ nữa.


Nói chung, quanh đi quẩn lại chỉ là
chuyện trong nhà đầy tù túng và chật hẹp. Hay hãy bước ra khỏi cửa cho
thoáng đãng, hãy tạm dừng chân ở một ngã ba đường, một khúc quanh nào
đó… Ở nơi chốn ấy có quán cà phê cùng bằng hữu, qua những mẩu chuyện vu
vơ vụn vặt, không đầu không đuôi. Ý đồ tôi là muốn trở lại… một thời với
quán Thằng Bờm.


oOo


Năm nào không nhớ rõ lắm, tha hương ngộ
cố tri, tình cờ gặp anh Đỗ Ngọc Yến từ quận lỵ của cái xứ nắng nôi tới
Houston, chẳng là dạo ấy nơi chốn tôi đang ngụ cư có dăm tiệm “chạp pô”
nằm dưới phố. Hai anh em gặp nhau tán gẫu chuyện vật đổi sao dời. Chuyện
người chuyện ta. Chuyện vật đổi sao dời thì cả hai vừa chấn ướt chân
ráo cùng một lứa bên trời lận đận nên chưa đâu vào đây. Chuyện người với
cả một thời xa vắng ẩn hiện và chẳng biết bây giờ họ đang luân lạc ở
nơi nao…


BTr dan ong 3ắt
qua chuyện ta, anh thân mật vỗ vai tôi và cười bằng mắt : Hay là làm
lại quán Thằng Bờm. Tôi cũng chỉ đành lắc đầu cười khỏa lấp. Rồi hai anh
em chia tay mỗi người một ngả, anh xuôi về miền viễn tây đất ấm tình
nồng, sau làm báo như cái nghiệp dư. Tôi ở lại tiếp tục kéo cầy trả nợ
áo cơm. Vì vậy có thể nói, anh Đỗ Ngọc Yến là người tôi gặp đầu tiên và
nhắc đến cái quán xưa cũ này.


Mươi năm sau nghe nói có ai đó mở quán cà
phê ở bên ấy trang tri như quán Thằng Bờm. Lại cũng với bàn ghế thấp,
khung vải bố đóng chung quanh tường. Thêm nữa, gần đây đọc một hai bài
báo thấy quán chiếm được dăm đoạn, mươi hàng cùng một chuỗi quá vãng của
những ngày này năm nọ. Bài báo có nhắc đến dăm cái tên nghe quen quen,
tôi lại bồi hồi nao nao nỗi nhớ…


Như người viết Thụy Vi đã trải dài trên giấy khô mực cạn :


“…Đầu
tiên tôi biết quán cà phê Lú là do anh. Quán Lú nằm trên trên một dẫy
phố gần chợ Thị Nghè, cách bài trí có chút gì âm phủ ăn cháo lú để quên
quên hết chuyện xưa… có lẽ vì ăn cháo nhiều quá, người ta sẽ lú. Còn
uống cà phê, mấy ông toàn moi chuyện gì không ra nói, nói hoài…


Chúng
tôi cùng ở khu Thị Nghè, nên anh thường rủ tôi đến đó, sẵn dịp gặp anh
Mường Mán, gặp anh Cung Tích Biền và vài người bạn văn chương của anh mà
lâu rồi tôi đã quên tên.


thuyviThú
thật, những lúc ngồi nghe anh và bạn anh nói chuyện trên trời dưới đất…
chán lắm, nghe mấy ông khảo về triết lý hiện sinh càng chán hơn, nghe
chuyện chiến tranh càng u uất… Tôi ngồi nghe cà ngơ cà ngất nên không
thích đến đó…”


Tiếp đến, ở thành phố tôi đang cư ngụ có
một nhà thơ ra mắt sách. Ông anh họ nghe hội luận loáng thoáng trên đài
thì buổi ra mắt sách mang âm vọng của quán Thằng Bờm ngày nào. Nhưng
tiếc là ông anh cho biết quá trễ, nên tôi đã không tìm lại cái không khí
của qúan qua những năm tháng. Ừ thì những ngày đó, bạn cũng như tôi,
chẳng biết làm gì ngoài… ngồi đồng ở quán cà phê. Những chỗ ngồi đâu đó,
mặc dù chỉ thoáng qua âm hưởng một dòng nhạc bất chợt, nhưng ít nhất
thì cũng níu kéo một khoảng thời gian với những ngày tháng đang tàn lụi…


Thế nhưng, gửi gió cho mây ngàn bay về
cái quán khuất nẻo trên, chẳng hẳn lúc nào cũng như người cưỡi mây. Một
ngày, cũng ở thành phố phẳng lặng này, tôi đang thả rong, ngước mặt lên
nhìn trời xanh mây tím nắng vàng, bất chợt va vào mắt là cái bảng hiệu
có cái tên Quán Thằng Bờm. Không bước vào, nhưng tôi biết bên trong có
ánh đèn mầu xanh xanh đỏ đỏ, vì rõ ra ấy là… cà phê ôm. Ghé quán sát bên
cạnh, ngồi không, bèn thả hồn đi hoang về lối xưa xe ngựa với Sài Gòn
đầu đường cuối ngõ. Và không quên bắt một chai bia lạnh, gọi thêm một ly
nước đá.


Để nhớ về một thằng bạn cũ.


oOo


Gần như nửa thời gian đi học tôi ngồi
đồng ở các quán cà phê, lúc sáng khi chiều, để đắm chìm trong khói
thuốc, day dứt với… người con Việt Nam da vàng của một thời để yêu, một
thời để nhớ. Đang em tan trường về đường mưa nho nhỏ thì gặp Lưu Trọng
Đạt ở quán cô Hồng. Dạo ấy nó đang học ở Vạn Hạnh, ngành Xã hội học.
Nghe lạ, bèn hỏi học cái giuộc ấy mai hậu nên công hầu khanh tướng gì
thì được trả lời là cũng không biết luôn. Sau đó, tôi thân hơn với nó
hơn khi đi Quân sự học đường tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Buổi
tối hai thằng ngồi ngoài sân cột cờ, nó nhấm nhẳng hỏi tôi : Tr dan ong 6Mày
họ gì…? Thế đấy, quen nhau cả năm trời, tên thì biết, họ thì không. Mà
chẳng lẽ hai thằng thân quen nhau vì hai cái họ Tàu tàu, Lưu Bị không ra
Lưu Bị, Tào Tháo không ra Tào Tháo mà tào lao thì có. Tôi đáp: Họ Phí.


Nó, thằng họ Lưu gật gù : Để cuối tuần về
phép lục gia phả nhà tao, may ra có họ mày… Xong, nó lẵng nhẵng tiếp nó
là con cháu…Lưu Vĩnh Phúc, giặc Cờ Đen. Năm 54 vào Nam chia làm hai
nhánh, một nhánh ở Gia Định ăn nói thuần tiếng Việt, nhánh khác vào Chợ
Lớn chuyên trị tiếng Tàu. Trở lại trại, nó báo cho tôi một cái tin chẳng
mấy vui cho lắm là tôi con cháu của giặc Cờ Trắng ở Đông Triều. Chuyện
này thì tôi chẳng mảy may hay nhưng quê ngoại tôi ở Đông Triều thật mới
đau… Tiếp đến hai thằng con cháu tướng cướp rủ nhau mở quán… cà phê, kéo
thêm mấy thằng bạn ăn cơm nhà vác ngà voi bên Vạn Hạnh, Kiến Trúc và
Luật. Để có chuyện… ”tào lao” như thể dưới đây.


Và nó “khảo” về thằng Bờm như thế này :
Bờm không phải là tên gọi mà tiếng Hán là “bần”, tiếng Nôm “bờm”
là…“nghèo”. Vì thế sau này các cụ phó cạo mới có từ… bờm đầu. Hiểu theo
nghĩa là không có tóc, thế nên mới có cụm từ nắm thằng có tóc chứ ai lại
nắm thằng trọc đầu. Thằng bờm Lưu Trọng Đạt được thể “luận” tiếp qua
một bài báo là khi không thằng Bờm được khoác lên người cái áo bàng bạc
với thuyết vô vi như con chuồn chuồn của Lão-Trang… khi vui thì đậu khi
buồn thì bay. Thế nên nó đề nghị đặt tên là… quán Thằng Bờm. Tôi ứ hử
thì nó ậm ừ ai muốn hiểu sao thì hiểu, miễn chắc như cua gạch có… nắm
sôi là được rồi. Nghe dễ ăn như… ăn trứng luộc. Từ tiếng Việt cổ đại,
lúc này tôi mới chợt nhớ ra nó là thằng nghèo lõ đít. Hiếm có và ít thấy
!


Tôi thuê “căn hộ” ngay ngã ba Đề Thám,
Phạm Ngũ Lão, về trang trí tôi có ý đồ dùng tre rồi lấy đèn hàn sì hun
nóng cho lên nước ở mấy cái đốt tre. “Học thuật” này tôi học được qua
anh họa sĩ Thái Bá lúc tôi làm “thợ vịn” cho anh, nhưng gia chủ không
chịu vì phải khoét lỗ, đục tường. Sau thằng bạn Kiến Trúc tên… Trúc
“sáng tạo” ra mấy cái khung gỗ, bọc vải bố nhà binh mầu cứt ngựa, vừa để
treo tranh triển lãm, vừa để vải bố giữ khói thuốc lá. Ghế, bàn là
những khúc cây ghồ ghề thấp tũn, Tr tre con 1ra
cái dáng hòa nhập về một vùng hoang sơ thái cổ. Tiếp đến, tôi bổ nhào
đi bắt bộ máy Akai ở quán Lam của nhóm bạn Quốc Gia Hành Chánh vừa tưng
bừng khai trường đã âm thầm đóng cửa.


Khoảng thời gian này với địa linh nhân
kiệt thì quán Anh Vũ gần quán thằng Bờm có Thanh Thúy. Quán Hầm Gíó
đường Phan Bội Châu với Thanh Lan, cùng thời Khánh Ly đi chân đất hát
nhạc Trịnh Công Sơn ở quán Văn. Thế là quán thành hình trụ trì là ngâm
sĩ Thanh Hùng, lâu lâu có cặp Lê Uyên Phương từ Đà Lạt xuống, cuối tuần
có mục giới thiệu sách, bình thơ, triển lãm tranh… Bởi nhẽ ”tụ điểm” văn
nghệ của những nhà báo, nhà văn lớn, nhà thơ thời danh với vang bóng
một thời của thập niên bẩy mươi lúc bấy giờ. Quán đông vào những tối thứ
sáu, thứ bẩy, vì có văn nghệ góp gió thành bão như đã dự trù, đông đến
độ khách thập phương phải đứng ngòai đường. Ban ngày phất phơ đóng hụi
chết có Nguyễn Hoàng Đoan, Vũ Thế Ngọc, Nguyễn Quỳnh và chẳng thể thiếu
mặt người của đám đông là anh Đỗ Ngọc Yến…


Thời gian vỗ cánh như quạ bay với một nhớ
hai quên. Thế nên thêm một lần, đành phải nhờ vả đến người viết Thụy Vi
ở trên qua bài viết Chữ nghĩa – Cà phê văn nghệ:


“…Thời
gian này anh và anh Đinh Tiến Luyện tập sự ở tòa sọan Công Luận với
Duyên Anh. Đóng chốt ở quán Lú một thời gian, anh và những người bạn đời
qua Thằng Bờm vừa mới khai trương. Không hiểu do đâu ngâm sĩ Thanh Hùng
biết tôi làm thơ nên đề nghị anh và tôi ngâm thơ ở quán Thằng Bờm cho
chương trình thêm phần sôi động. Tôi gặp cặp Lê Uyên và Phương và “Tình
khúc cho em” ở đây. Rồi gặp Vũ Thành An với “Bài không tên số 2” cũng ở
đây. Gặp cả Phạm Duy với “Thà như giọt mưa”, phổ thơ của Nguyễn Tất
Nhiên. Và cặp Từ Công Phụng và Từ Dung với “Bây giờ tháng mấy” cũng ở
nơi chốn này…


Những
tối cuối tuần Thằng Bờm đông lắm, đứng tràn cả ra con đường Đề Thám nhỏ
hẹp. Nơi đây cũng ghi nhiều kỷ niệm của tôi và anh, thường thì khi rời
Thằng Bờm chúng tôi thả bộ dưới trời đêm, có lần sau cơn mưa đường đầy
nước, tôi tháo đôi giầy đi chân trần cho thỏa thích đùa nghịch dầm trong
vũng nước như con nít. Vì thế mảnh sống tôi cứ êm ả với ngất ngầy cùng
không gian văn nghệ quyến rũ dễ thường từ quán Thằng Bờm…”


oOo


Thưa bạn cà phê một thưở,


Một ngày nào đó như mới đâu đây… Cả một
khoảng không gian thu hẹp của một cõi, cùng những níu kéo ngày là lá
tháng là mây. Ít lâu sau gặp lại bạn bè ngồi như đóng chốt ở cái quán
cuối phố. Hồi nhớ lại ngày đó, mỗi đứa một góc, cả một khung trời quen
thuộc qua thằng này thằng kia. Nghĩ cho cùng ở cái tuổi vắng gió đìu hiu
này, cũng cần phải có một nơi chốn để trở về cùng những ngày tháng cũ.
Và rồi không ai bảo ai, như gió đánh đò đưa lại cùng nhau hẹn hò về ngày
này năm ấy… Ngày ấy quán như một nơi chốn để gặp nhau, tới không gặp để
lại một vài hàng nhờ cô thâu ngân chuyển dùm. Cũng nơi chốn ấy, tuần
trước thằng bạn về phép, tuần sau bàng hoàng nghe tin anh nằm xuống, hơn
một lần… Ngồi chơ vơ một mình, đốt điếu thuốc như thắp nén hương lòng
cho những thằng bạn đã bỏ cuộc chơi, để bất chợt thấy ly cà phê đắng
chát và nguội ngắt.Tr tre con 2
Ngay lúc này đây, hoài đồng vọng về những thằng bạn quen biết một thưở,
đã áo bào thay chiếu anh về đất. Với nhiều thằng, bây giờ với năm tháng
còm cõi, chẳng nhớ nổi một cái tên. Lại có cớ nghiêm và buồn, bồi hồi
qua câu của người xưa thế sự du du hề, một cuộc bể dâu, nhân kiếp phù sinh hề, một thoáng bạch câu.


Nhớ với quên, để chẳng quên một vài lập
dị nhân. Chuyện là có khứa lúc nào cũng ngồi ở một góc cố hữu và quay
mặt vào tường, mặt mày đăm táo bón như một triết nhân sinh bất phùng
thời qua… dạng Phạm Công Thiện với mặt trăng hiếp dâm mặt trời. Có một
nhóm chỉ ngồi ở một bàn từ ngày này qua tháng nọ, đến mụ người như cánh
vạc bay, rồi đàn bò vào thành phố cùng cỏ hoang lạc lối. Lắm khi trái
nắng trở trời bắt cô thấu ngân cho nghe đi nghe lại… một bản nhạc cho nó
phê… Bắt qua một nhóm khác cùng : tuổi trẻ phải là một cái gì.
Cái gì đâu không thấy, chỉ toàn nói chuyện đội đá vá trời, trên thông
thiên văn dưới thuộc lòng địa lý. Thuốc lá điếu mồi, điếu hút, điếu “sơ
cua” thì nhớ đâu vào đó, nhưng khoản chi tiền chầu cà phê thì lờ tít.
Rồi bỗng dưng đột nhiên đứng dậy và biến mất như ma… và hôm sau giữa ban
ngày ban mặt xuất hiện như ma trơi, lại tiếp nối chuyện… tuổi trẻ phải
là một cái gì. Cái thằng tôi không biết làm gì hơn là làm thinh, là lẳng
lặng bỏ bao thuốc vào túi.


Nhắc đến những kỳ nhân dị tướng trên thì
không quên một thằng Bờm trôi sông lạc chợ người Quảng Ngải. Quảng Nam
hay cãi Quảng Ngải hay co là nó đây. Trôi sông lạc chợ vào Sài Gòn, vừa
đi học vừa kèm trẻ tư gia. Ấy vậy mà thỉnh thoảng cuối tháng vẫn dấm dúi
tiền kèm trẻ cho anh em thằng Bờm đóng hụi chết tiền nhà. Vì rõ ra nắm
sôi không… ngon như óc chó như thằng bờm Lưu Trọng Đạt đã luận thuyết.


Nhắc đến thằng Bờm này thì lại nhớ đến
thằng khác. Cái thằng đẹp trai học giỏi con nhà giầu học trường Tây, ăn
cơm Tây. Nhưng khổ một nỗi vì nó đau bao tử nên sáng trưa chiều tối nuốt
khoai tây nghiền nhuyễn nhừ. Nay học luật, trốn việc quan đi ở chùa
bằng vào tới quán lau nhà, rửa tách chén mệt nghỉ. Còn cái thằng tôi,
việc nhà thì nhác việc thiên hạ sự thì siêng là ghé quán cô Hồng lấy cà
phê. 17 Saigoncafe 8Chả là nghe đâu cà phê ở đây trộn lẫn với cau khô giã nhừ. Hay nói khác đi cà phê thằng Bờm là “âm bản” của cà phê Pasteur.


Qua đây, năm thì mười họa đập bể kính ra
tìm lấy bóng từng thằng một. Thảng như đảo về thăm quán thằng Bờm trong
chốc lát để điểm mặt chỉ tên thì nhớ đến thằng đang học thổi kèn ở
trường Quốc Gia Âm Nhạc, mắt hấp ha hấp háy, miệng cười ruồi, tay nhón
điếu thuốc lá. Thằng thổi kèn ở bên Úc, hai thằng gặp lại qua quán vắng
chiều hôm, qua đường giây điện thoại. Chuyện là mới đây đang mày tao chi
tớ, bất chợt nó hỏi: Mày biết tao đang ở đâu không ?. Tiếp, nó cười
khục khục là đang ngồi trên xe lăn tới bàn mổ đê thông van mạch, nhớ thì
gọi vậy thôi.


Thôi sao được, thế là tôi lưỡi đá miệng :
Đừng có đi luôn nghe mày. Vậy mà ngay sau đấy nó… nghe lời tôi lặng lẽ
đi vào cõi tĩnh mịch, chẳng ai biết, không ai hay. Cái tình của thằng
bạn cà phê là thế đấy. Trước khi đi vào cõi vô cùng cũng chẳng quên ới
cho bạn một tiếng. May mà tôi không theo nó, ấy vậy mà may.


oOo


Nhưng chẳng may gì vì quán mỗi ngày một
vắng lặng với đại bác đêm đêm vọng về theo ánh hỏa châu của chiến
trường. Để rồi, quán cứ thưa thớt dần, khách khứa đếm trên đầu ngón tay,
thằng còn thằng mất, anh nằm xuống hơn một lần… Đâu đó gần Mùa hè đỏ
lửa 72, đẩy đưa Lưu Trọng Đạt vào nơi gió cát, nó đi tiểu khu nắm một
đại đội địa phương quân. Nhờ bà chị quen biết với Hoàng Đức Nhã nên nó
có tin hai ba ngày nữa sẽ được biệt phái về Sài Gòn làm cho Cục Dân Vận.
Ván cờ đã đến lúc cờ đang tàn cuộc không còn nước, mặc dù vẫn còn mã
nhật tượng điền xe liền pháo cách đấy, nhưng nó không muốn mang pháo
sang sông, Kinh Kha sang Tần một đi không trở lại.


Thế nên buổi chiều biết sắp đụng lớn, nó
mượn hồ trường, nào ai tỉnh, nào ai say, xách súng bắn lung tung ngoài
thị xã, cố tình để quân cảnh bắt nhốt. Trước đó, nó kể tôi nghe một
ngày, ông quan một là nó đang ngồi quán thịt chó… trấn thủ lưu đồn, Cold
45 lận lưng, thầy trò ngất ngưởng. Bất thình lình ông bố từ Sài Gòn lên
thăm, vào tiểu khu không thấy, bèn vào quán thở ra vì cát bụi chân ai. Tr tre con BBất ngờ bắt gặp thằng con đang tuổi trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dươngThế là ông bố nổi xung tát ông con quan một một cái cho đỡ bực dọc đường xa.


Vài năm sau, đến lượt tôi khoác áo lính,
cũng có mặt ở thành phố đồi núi heo hút này, cũng ngồi ở một cái quán
đầu thị xã, bắt chước nó gác súng M16 gác bên chân và độc ẩm. Lúc ấy,
tôi đã mường tượng đến cái cảnh nó bị ông cụ bốp cho một “cái bốp” và…
cái mặt anh con cứ nghệt ra. Tôi đã hình dung đến hình ảnh người hùng
phố núi…bất đắc dĩ cầm súng bắn vung trời dậy đất ngoài đường phố… Và
tôi tần ngần tự hỏi hay là chính ở cái quán thịt chó này cũng nên, cái
thằng Lưu Trọng Đạt nó đã ngồi đây…


Và tôi ngẩn người vì gần gũi thằng này
bao nhiêu năm, chẳng hay biết nó biết… uống bia tự hồi nào. Vì người
tình ẩn khuất chăng ? Nào ai biết ma ăn cỗ.


Trở về lại với trận chiến mà nó có mặt
dạo ấy, thế nhưng vì thiếu hụt quân số sao đó, nên nó vẫn bị bốc ra khỏi
quân lao đi hành quân, trận đó tiểu đoàn của nó thắng lớn. Vừa lúc có
sự vụ lệnh thuyên chuyển, trên đường về tiểu khu, nó dẵm phải mìn. Nhất
tướng công thành vạn cốt khô đâu không thấy, chỉ thấy anh trở về…hòm gỗ
cài hoa trong một ngày nắng quái chiều hôm, mây mù giăng giăng đầu núi.


Quay quả trở về lại thăm thú quán thằng
Bờm như một dấu ấn, đánh dấu một đoạn đường đã qua. Quán thằng Bờm chẳng
của riêng ai, vì mỗi người mỗi có một quán cà phê của riêng mình ở ngõ
không tên nhà không số nào đấy. Nói cho ngay, quán chỉ là cái mốc của
thời gian và không gian nào đó. Như một chuyến đò qua sông, cây đa bến
cũ, cùng đam mê, nhiệt tình của những mẫu người, những khuôn mặt như
những Bi, những Lộc, những Lập…Nay nếu có hình dung lại từng bóng dáng,
hồi tưởng lại từng khuôn mặt, dường như đều mờ nhân ảnh trong một cõi đi
về.


oOo


Thưa bạn cà phê một thời, một thưở,


Một ngày nào đó như mới đâu đây, vừa mới
qua mau… Lại ngược về lại thập niên 80, giữa lúc nửa đêm về sáng có
tiếng chuông điện thoại reo. Giọng bên kia có tiếng như ấm nước sôi reo :
Mày còn nhớ tao không ?. Bố khỉ, ông cố nội ai mà nhớ, hiểu theo nghĩa
là chẳng chịu nhớ cho. Thế là tìm được thêm một tên bạn cà phê cà pháo.
Ít lâu sau gặp lại, gã đang học Anh văn để sinh ngữ sinh tồn, ấy vậy mà
hoài bão của gã là mở một quán cà phê bỏ túi trong nhà với ba bốn cái
bàn cùng dăm chiếc ghế, không ngoài đốt lò hương cũ về những ngày tháng
đã cũ sì mốc meo. Tr tra cafe 3Để
rồi bạn bè dăm đứa lại đắm chìm trong khói thuốc, day dứt với cái quán
nhỏ, không bảng hiệu, bàn ghế thấp tè cùng hai chị em cô chủ tóc dài
liễu trai, lặng lẽ đi ra đi vào như hai chiếc bóng, áo quần như sương mù
mờ nhân ảnh : Ấy là quán Pasteur.


Qua gã tôi mới hay quán đã đi vào quá
vãng, dãy phố buồn hiu trống vắng, ảm đạm của thành phố một thời người
xe tấp nập như nêm cối. Tôi u hòai về cô hàng cà phê tên Hồng chẳng biêt
bây giờ trôi dạt về bến bãi nào. Gã cho biết qua một bài viết của Phan
Nghị, ông tự sự cô là người tình liễu trai của ông trong cái tuổi thất
thập cổ lai hy. Đêm đêm hồn ma của bác phu quét đường, đàn bò, cánh vạc,
đại bác, cứ nhè tai ông kêu réo, sau đó ông đành giã từ cõi nhân gian.
Chuyện tình cô hàng cà phê là như thế đó. Cà phê nào mà chả đắng, cuộc
tình nào mà chả…đen đủi. Thì cũng là chuyện vậy…Ấy vậy mà mất cả mấy năm
trời đằng đẵng, đến cái tên của gã, tôi cũng chịu chết không nhớ nổi
một cái tên. Mà chỉ nhớ nó là…một thằng bạn cà phê.


Và gặp lại một thằng bạn cà phê khác nữa
ngay giữa lòng phố thị vắng gió đìu hiu. Gia dĩ một thời nhá nhem gã là
“quán chủ” cà phê Thượng Uyển. Ấy là quán cà phê duy nhất ở Sài Gòn ngự
trên sân thượng có chòi lợp lá. Cả hai đang hai quên một nhớ thì có một
khứa bạn nữa tạt qua Trúc gia trang. Sau dăm câu chuyện đẩy đưa…hóa ra
khứa này lại là cây si mọc rễ ở quán Thượng Uyển với cô thâu ngân.
Chuyện cũng chỉ loanh quanh với “người cũ” còn hiện hữu hay chăng, gia
chủ bèn vào nhà thăng một giấc để đi vào cõi không. Chẳng phải đi tìm
chân ngã như khứa bạn qua ly cà phê đá: giữa đời sống bình thường,
viên đá tự tan chảy để tìm về bản thể long lanh của mình. Cho đến khi
không nhìn thấy viên đá nữa thì làm sao biết được nó tồn tại hay không
tồn tại?Tr tra cafe 6
Mà là để hai cố nhân vật lộn với bóng tối đen như cà phê, bóng tối đắng như cà phê…trong một ngày nhạt nắng.


Tận cùng của Sài Gòn đầu đường cuối ngõ
chẳng thể không nhắc tới quán chị Chi. Quán chỉ đủ chỗ cho ba bốn chiếc
bàn, không nhạc, không gì cả. Ngoại trừ bức tranh trên vách được cắt ra
từ một tờ báo ngoại quốc. Tranh chụp một bàn tay giắt một em bé vai đeo
cặp sách, mắt mở to, miệng mếu máo, phía dưới có hàng chữ : “Đi học hả ?
Hôm qua đã đi học rồi mà”. Và chẳng mấy ai nhớ đến số nhà của quán cà
phê, chỉ biết rằng nó nằm ở con phố nhỏ Nguyễn Phi Khanh. Ấy vậy mà cách
đây mươi năm, ngày chị đi vào cõi tĩnh mịch, có tới hơn hai trăm khách
cà phê của một thời một thưở theo linh cữu chị để tiễn đưa. Nghĩ cho
cùng mấy ai được như vậy. Tất cả chỉ vì cái tình tri ngộ qua hình bóng
lắng đọng qua cái tên thân quen, gần gũi: quán chị Chi.


oOo


Ừ thì như trên tôi đã lan man, gặp lại
bạn bè cũ qua chữ nghĩa để ủ ê những ngày tháng sập sùi, để tìm lại thấy
mình còn có quá khứ, Tr chang buonmặc
dù chỉ là một cái quán, qua một cái tên. Nhưng ấy là cái gạch nối để
thấy mình còn hiện hữu đằng góc phố cuối đường. Bằng vào tất cả những gì
tôi vừa nhắc tới qua bài tạp bút này chỉ là một thóang ngày cũ, một
chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của một trong những quán cà
phê Sài Gòn trong trí nhớ. Mây vẫn bay ngày vẫn trôi đi, ai chẳng có
một cái quán để nấp bóng còn đang bồng bềnh nổi trôi đâu đó nơi quê nhà.
Và cũng để hòai cảm một ngày nào đó, ngồi nơi quán xá bên đường ở một
thành phố xa lạ, bỗng dưng bắt gặp một vài khuôn mặt quen thuộc qua một
dòng nhạc, qua một ly cà phê…


Để hoài cố nhân với còn ai nữa, những
người muôn năm cũ của quá vãng thấp thoáng ẩn hiện như mới đâu đây trong
một ngày ít nắng nhiều mây…


Phí Ngọc Hùng 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

WIDGET VÍ DỤ