Friday, August 31, 2012 4:24 PM
Lời mở đầu:
Bài viết dưới đây khởi thủy là thư cảm
tạ gửi cho thân hữu đã đến thăm hay gửi
lời chia buồn khi mẹ tôi mất hồi cuối
năm ngoái. Vài tháng sau, một người bạn
gửi cho tôi file dạng .pps có tựa“ For
sons and daughters”. Đó là lời tâm sự
của cha mẹ già với con cái. Đã bước qua
cầu, đọc file này thấy thấm thía, não
lòng. Có những cảm nhận trùng hợp, nhưng
muộn màng. Tôi lược bỏ những tình tiết
riêng tư trong thư cảm tạ, và thêm vào
chút cảm nhận khi đọc file .pps trên.
—————
Sáng nay, khi xuống lầu đi làm, tôi buột
miệng “ Mẹ ở …”
(… nhà, con đi làm đây!).
Tôi khựng lại, chợt nhớ ra bà mất rồi.
Tôi nhìn lên bàn thờ, thắp nén nhang,
rồi đi…
Như vậy là tôi đã đứng về phía những
người không còn mẹ…
Thằng con tôi, 16 tuổi, tối qua đi học
về, lao cái xe đạp vào nhà, la to từ
ngoài cổng: “ Chào bà….” (… nội, con học
về). Thằng nhóc cũng khựng lại…, huống
gì kẻ quá nửa thế kỷ sống với bà, đâu dễ
gì điều chỉnh một thói quen đã trở thành
mãn tính.
Vẫn biết tử sinh là lẽ thường… nhưng
trước cái chết của người thân, chẳng có
nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Tôi không
nói đến tình thương của con cái đối với
cha mẹ, ai nhiều hơn ai, nhưng tôi biết
một điều, những người con sống với mẹ
chung một mái nhà, khi mẹ mất, sẽ có cảm
giác mất mát lớn vô cùng. Thời gian
chung sống càng dài, cảm giác đó càng
lớn. Cảm giác mất mát lớn là vì thế, hụt
hẫng vì thói quen bỗng nhiên mất đi.
Mẹ tôi năm nay 93, thuộc hàng đại thọ
rồi. Ai trong trong chúng ta dám nghĩ
mình có thể bước đến mức đó?
Bà bị huyết áp cao, đôi khi viêm phổi,
suy tim lai rai, nhưng bà mất không phải
vì những bệnh đó mà vì …tuổi già. Cách
đây 3 tháng, bà bỗng nhiên chán ăn, và
rồi chán uống (nước). Cơ thể vẫn có nhu
cầu nước, nhưng bà không thấy khát. Cơ
thể vẫn có nhu cầu thực phẩm (đạm,
lipid, glucid), nhưng bà không cảm giác
đói… Bác sĩ nói, chắc chỉ còn vài tháng…
Một người có nghề khoa học thực phẩm như
tôi đâu dễ gì bỏ cuộc. Tôi làm riêng
thực đơn cho bà, sao cho uống ít nhất và
dễ uống nhất, nhưng tạm đầy đủ chất bổ
dưỡng cần thiết: sữa bắp, sữa đậu xanh,
Milo, Ovaltin, nước ép trái cây,… Bà
ngán sữa, thỉnh thoảng mới “độn” thêm
một chút “Ensure”. Nhưng điều khó khăn
nhất vẫn là, làm sao cho người già “ngán
ăn sợ uống” chịu dùng số thực phẩm ít ỏi
đó… Ép uổng có khi bà hất tay,giận dữ.
Mỗi lần như thế, uống nhiều lắm chỉ được
chừng 50 ml. Có lần bí quá, tôi phải xài
tới… mật ong, nhưng bà cũng chỉ được nửa
thìa.
Đôi lần tôi tự hỏi, có cần phải tạo thêm
phiền muộn cho người già đang ở ngưỡng
cửa về bên kia thế giới như vậy chăng?
Nhưng liệu có thể đành lòng nhìn bà hao
mòn dần như vậy không? Mọi người phải
thay nhau giả vờ hỏi chuyện ngày xưa với
bà, khi bà vui thì đưa ly ra… Dụ ngày
không được, thì dụ đêm. Thức đêm tâm
tình với bà, bà cũng chịu uống chút chút.
Có khi cả ngày không uống hết nửa ly
trái cây, tôi rớt nước mắt:
“Mẹ muốn bỏ
con và các cháu đi sao?". Bà cầm lấy tay
tôi, ngước mắt nhìn như van xin: “ Mẹ sợ
ăn …mẹ ói…”.
Người già “ngán ăn sợ uống” dường như
sống trong thế giới khác, đâu phải là
thế giới của logic y học với đầy đủ lý
lẽ. Bà sống trong thế giới trầm lặng,
bên ngưỡng cửa về với ông bà, về với cội
nguồn… Còn gì để mất? Còn gì để sợ?
Chỉ
còn lòng thương yêu con cháu, và nếu sợ
điều gì, đó là sợ bị… bỏ rơi. Có người
bên cạnh, có người hỏi han là sức sống
còn được níu kéo.
Nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn không sao
chấp nhận mẹ tôi ra đi chỉ vì… không ăn
uống. Rồi có lần tôi giả vờ giận bà bỏ
đi. Ra ngoài đường, móc phone gọi thằng
con dụ bà uống tiếp, thì bà uống. Chắc
sợ thằng con bỏ đi thật. Mỗi lần dụ được
bà uống, các con tôi đều phone cho tôi
để… khoe thành tích. Có ngày bà uống đủ
“tiêu chuẩn”, nhưng (rất) thường là
không. Nhưng mấy cái “thủ đoạn” vặt này
cũng chẳng xài được lâu.
Truyền dịch không phải là giải pháp tốt
cho người già, dù là dung dịch muối đẳng
trương, dịch glucose hay dịch đạm, vì dễ
gây shock tim (sức tim bơm không nổi).
Nhưng ông bạn bác sĩ nội khoa dường như
cũng “máu” với tính lì lợm của tôi, cài
máy đo huyết áp, vừa đo vừa truyền,
truyền dịch khoảng 1/3 chai là ngưng,
miễn sao có nước. Cách vài ngày lại
truyền như thế, hôm đạm, hôm đường. Hai
mươi chín Tết truyền, mồng một Tết cũng
truyền, … Đánh “du kích” để dành giựt
với tử thần là vậy.
Suốt mấy tháng trời, tôi sống với chút
hy vọng mong manh đó, biết đâu bà sẽ
biết đói và biết khát lại. Nhưng tuyệt
vọng thì nhiều. Mỗi ngày tuyệt vọng
chồng lên tuyệt vọng… Mỗi sáng thức dậy,
thấy yên tĩnh, nghĩa là bà còn sống,…Tôi
nhủ thầm, như vậy là mình còn cơ hội
“chiến đấu” thêm 24 giờ nữa. Ngày qua
ngày như thế…
Hai ngày cuối cùng, đôi mắt bà tinh sáng
lạ thường, bà thường nắm chặt tay tôi,
nắm chặt lắm, tay kia chỉ vào bụng bà (hàm ý mẹ đẻ con ra), rồi chỉ vào ngực bà (hàm ý thương lắm). Bà cũng làm như thế
với các cháu. Bà ra đi nhẹ nhàng. Lúc đó
cả nhà còn thức…
Dọn dẹp nhà và thay quần áo cho bà xong,
tôi quỳ xuống, vái bà ba lạy, tạ ơn sinh
thành dưỡng dục. Ngày mai tang lễ, tất
cả với tôi chỉ còn là thủ tục…
Ba tôi mất sớm. Mẹ tôi là người đàn bà
không biết chữ, bán xôi dạo, nuôi tôi ăn
học. Nay kiến thức tôi đủ để đứng trên
bục giảng đường đại học. Nhưng kiến thức
dù to lớn đến đâu cũng chỉ là phương
tiện, chỉ có tấm lòng đơn sơ mới tạo ra
nhân cách. Tôi chợt thấy mình nhỏ bé,
quá nhỏ bé so với bà.
Thư này tôi chỉ gửi đến các thân hữu còn
mẹ, như một chút chia sẻ thay cho lời
cảm tạ. Các bạn còn cơ hội, còn tôi thì
không. Hết rồi ! Tôi không còn phải hãi
sợ mỗi khi nghe tiếng chuông điện thoại,
mà tôi nơm nớp lo rằng đó là cuộc gọi từ
nhà tôi.
Có những đêm rủ rỉ nói chuyện với mẹ,
tôi mới hiểu ra tâm tư của người già sắp
sửa ra đi, khác xa với lý lẽ khôn ngoan
của sự đời. Thuốc men hay thực phẩm là
thứ yếu. Niềm vui quan trọng hơn nhiều,
dù chỉ là nụ cười héo hắt trên môi họ.
Một cái gật đầu của người già sắp về bên
kia thế giới là dấu hiệu của sự thỏa mãn.
Để làm cho họ gật đầu, thì tiền bạc,
quyền lực hay lý luận khoa học trở thành
vô nghĩa. Chỉ có tấm lòng, bạn ơi ! Chỉ
có tấm lòng và sự kiên nhẫn của chính
bạn thôi.
Tôi đã hiểu ra, nhưng lại mải mê vật lộn
với thần chết, và chính cái “khôn ngoan”
đã ngăn trở tôi tiếp cận trọn vẹn với
niềm yêu thương của mẹ, với những điều
đơn sơ mà mẹ tôi cần nhất. Xin các bạn
đừng như tôi…
Lá thư cảm tạ có thể xem như kết thúc ở
đây.
Trong file “For sons and daughters” mà
bạn tôi gửi, có những câu người cha/mẹ
tâm sự với các con thế này (tạm dịch):
- “Và ngày nào đó, mẹ sẽ nói với con
rằng mẹ không muốn sống nữa, mẹ sẽ chết.
Con đừng nổi cáu… Rồi có ngày con sẽ
hiểu…”
- Con hãy hiểu, tuổi già của mẹ đâu
nghĩa là được sống, mà chỉ là sống tạm.
- Rồi có ngày con sẽ hiểu, dù còn thiếu
sót, nhưng lúc nào mẹ cũng muốn làm
những điều tốt đẹp nhất cho con, lúc nào
mẹ cũng cố hết sức để lo liệu cho con
nên người.
- Đừng buồn con ạ! Đừng bức xúc hay
tuyệt vọng khi nhìn thấy mẹ
(suy kiệt).
Chỉ cần con ngồi bên mẹ, ráng hiểu mẹ,
và giúp mẹ như mẹ đã làm cho con từ thuở
đầu đời
- Hãy dìu mẹ đi… hãy giúp mẹ đi trọn cõi
trần với lòng yêu thương và kiên nhẫn.
Mẹ sẽ dành cho con nụ cười và niềm
thương yêu vô hạn như suốt đời mẹ đã làm
như thế với con”.
Tôi lặng người khi đọc những dòng chữ đó,
như có ai rọi thấu tâm tư, từ lâu rồi mơ
hồ chẳng biết đúng hay sai. Mọi phân
tích khoa học để đưa tới hành động tưởng
chừng hợp lý và thực tế, nhưng có khi
trở nên vô nghĩa với người già. Có những
cảm nhận trùng hợp giữa lá thư cảm tạ và
lời tâm sự của cha mẹ già, nhưng muộn
rồi. Tôi đã từng hiểu ra nhưng chưa hiểu
thấu. Tôi nhớ lại đôi mắt của mẹ nhìn
tôi như van xin: “Mẹ sợ ăn …mẹ ói…”.
Tôi úp mặt vào đôi bàn tay. Tôi biết
mình đang ray rứt và sẽ còn ray rứt…
Mùa Vu Lan 2012
Vũ Thế Thành
0 nhận xét:
Đăng nhận xét