Non nước hữu tình Tràng An
15:05, 25 Tháng Sáu 2012
(Cinet)-
Được ví như “ Vịnh Hạ Long trên cạn”, mảnh đất “ sinh vua, sinh thánh”,
khu du lịch sinh thái hang động Tràng An với cảnh quan non nước hữu
tình, nơi hùng vĩ núi đá và trùng điệp những thung lũng ao hồ nối tiếp
nhau đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài
nước.
Cách
Hà Nội 95km, khu du lịch sinh thái Tràng An là một quần thể danh lam-
thắng cảnh trải dài trên ba huyện, thành phố thuộc tỉnh Ninh Bình với
tổng diện tích gần 2.000 ha, gồm 47 di tích lịch sử có từ lâu đời. Tràng
An hiện đang sở hữu nhiều thế mạnh, tiềm năng du lịch như: du lịch lịch
sử, sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh… đã và đang được tỉnh Ninh Bình
khai thác đầu tư hiệu quả, hợp lý
Vượt xuyên thủy động
Không
có biển nhưng Tràng An được xem như là “Hạ Long trên cạn” khi sở hữu
những núi đá vôi trải dài, những thung nước xanh rì, hang động với những
cái tên gợi chuyện xưa tích cũ như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang
Mây... Và khi không gian mở ra, du khách sẽ lạc vào hệ thống hang động
liên hoàn như một mê cung gồm những hang Tối, hang Sáng, hang Ba Giọt,
hang Seo, hang Sơn Dương..., được nối với nhau bởi gần 30 thung nước
liền mạch. Có 12 thung lớn được nạo vét thành hồ với các hòn đảo to, nhỏ
được đặt tên của 12 con giáp. Mỗi thung, mỗi hang là những cung bậc
sắc màu riêng.
... Và khi không gian mở ra, du khách sẽ lạc vào hệ thống hang động liên hoàn như một mê cung |
Ví
như hang Tối dài đến hơn 300m, cao khoảng 60m, lòng hang uốn lượn hình
chữ S, nhũ đá trong hang từ trên cao chảy dài, tầng tầng, lớp lớp, mềm
mại như tơ lụa. Rồi các hang Ba Giọt, Seo Bé, hang Lổ, hang Đột, hang
Đại Linh, Ao Trai, hang Sính... làm cho quần thể xuyên thủy động Tràng
An như một mê cung trữ tình, điệp trùng giữa núi cao và nước sâu. Tất cả
tạo nên một bức tranh thủy mặc hoành tráng, mỹ lệ...
Không
giống như ở Tam Cốc, Tràng An có thể tạo thành hành trình xuyên thủy
khép kín mà không phải quay ngược lại. Các hang động ở đây lớn, dài và
được những tác động của tự nhiên không ngừng biến đổi rất kỳ ảo. Quần
thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, thung
nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn vào được mà không ra
được nếu không phải là người am hiểu địa hình sở tại. Mỗi thung là một
bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời,
non xanh, núi biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện. Ðiều diệu
kỳ ở đây là các thung được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các
động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển
tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng
thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây
mọc thành đảo.
Ngoài
cảm giác mênh mông trên mặt hồ, trải nghiệm cảm giác lo lắng không biết
có điều gì bất ngờ xảy đến khi bắt đầu vào hang, những cú đụng đầu bất
ngờ vào trần, cảm giác lạnh buốt với giọt nước rơi từ thinh không khi
lưu thông qua những chiếc hang hẹp, thấp, không có ánh sáng để rồi ngạc
nhiên đến ngỡ ngàng khi đối diện với những bức tranh thủy mặc nhiều màu
sắc khác nhau tại mỗi thung. Cảm giác sáng - tối lập đi lập lại nhiều
lần khiến du khách như bỏ quên thời gian, quên đi nhịp sống hàng ngày,
hoàn toàn hòa mình vào thiên nhiên, nghe thênh thang âm thanh của đất
trời, nghe nhịp thở của mây ngàn và gió núi.
Khát vọng thành di sản
Với
mong muốn được bảo tồn, quảng bá danh thắng Tràng An (Ninh Bình), mới
đây Ban quản lý Quần thể danh thắng đã lên kế hoạch sàng lọc một số các
tiêu chí thuộc cảnh quan thiên nhiên và văn hoá để làm hồ sơ xin công
nhận là di sản thế giới.
Có thể Tràng An sẽ được đề xuất trình hồ sơ theo tiêu chí “hỗn hợp” |
Theo
ông Nguyễn Viết Long – Giám đốc Ban quản lý danh thắng Tràng An thì từ
khi địa phương phát triển hoạt động du lịch, đời sống người dân ở đây
được cải thiện rõ rệt, bộ mặt làng xã cũng trở nên đẹp hơn, hoành tráng
hơn.
Thông
tin từ Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) ngày 27.9.2011, UNESCO đã chấp
thuận để Việt Nam gửi hồ sơ xin thẩm định công nhận Khu danh thắng Tràng
An là di sản thế giới. Cũng nằm trong kế hoạch chuẩn bị hồ sơ đệ trình,
ngày 20.3, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và UBND tỉnh Ninh
Bình đã có buổi làm việc với báo chí và một số chuyên gia về vấn đề này.
Về
lộ trình bình xét, tiêu chí làm hồ sơ gửi UNESCO, ông Nguyễn Viết Long
tiết lộ: “Qua một số khảo sát đánh giá của các đoàn chuyên gia, có thể
Tràng An sẽ được đề xuất trình hồ sơ theo tiêu chí “hỗn hợp”, thiên về
các nhóm tiêu chí 7 (cảnh quan tự nhiên), số 5 và số 8 (văn hoá, diện
mạo).
Bên
cạnh những nét đẹp về cảnh quan tự nhiên, quần thể di tích danh thắng
Tràng An còn hội tụ nhiều yếu tố về địa chất, lưu giữ nhiều dấu tích của
nền văn hóa cổ đại. Theo ông Nguyễn Văn Khanh – Phó ban quản lý danh
thắng Tràng An: “Không phải ngẫu nhiên mà Tràng An được mệnh danh là
“Vịnh Hạ Long trên cạn”.
Theo
một số nghiên cứu khoa học, cách đây 5.000-6.000 năm, nơi đây vốn là
một vùng vịnh như vịnh Hạ Long bây giờ. Trên lớp địa chất thể hiện rõ
từng ngấn sóng biển, một minh chứng cho thời kỳ biển tiến và rút”. Đặc
biệt, nơi đây còn lưu giữ được hàng trăm vết tích từ vỏ sò, vỏ ốc - một
minh chứng cho sự cư trú của người tiền sử. “Đây chính là nét độc đáo,
có một không hai về cả tự nhiên và văn hoá mà không phải nơi nào cũng có
được” - ông Long khẳng định.
Hiện
nay trên thế giới có hơn 200 di sản thiên nhiên, trong đó 27 di sản
thiên nhiên mang tính chất hỗn hợp cảnh quan thiên nhiên và địa chí địa
mạo. Chính vì vậy, đề xuất làm hồ sơ nhấn vào yếu tố văn hóa qua khảo cổ
học là hướng đi mới cho Khu di tích Tràng An.
Về Tràng An vượt xuyên thủy động:
Tràng An với vẻ đẹp sông nước hữu tình sẽ ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước |
TD
0 nhận xét:
Đăng nhận xét