Home » » TRẬN CUỒNG PHONG GIỮA ĐẠI NGÀN VỚI HỔ MÂY (KỲ 2)

TRẬN CUỒNG PHONG GIỮA ĐẠI NGÀN VỚI HỔ MÂY (KỲ 2)

Written By tâm tâm on Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012 | 16:08


Trận cuồng phong giữa đại ngàn với hổ mây (kỳ 2)







Tên tuổi đạo sĩ Ba
Lưới chỉ nổi lên như cồn khắp vùng Thất Sơn và đi vào huyền thoại, khi
ông sử dụng thế võ đặc biệt của mình để hạ thủ 2 con rắn hổ mây khổng lồ
khi nó cố tình tấn công ông.




< Đường lên núi Cấm.



Nhắc đến loài rắn hổ mây khổng lồ, không ít người cho rằng đó là chuyện
tào lao của cư dân vùng đất bác Ba Phi. Tôi cũng tin như vậy. Tuy nhiên,
gặp gỡ hàng trăm người, ở nhiều tỉnh thành khác nhau, tôi đều được nghe
những câu chuyện rất thật, rất giống nhau. Họ mô tả hình dạng, màu sắc,
cách di chuyển, tính nết của loài rắn này trùng khớp một cách khó tin.



Một đạo sĩ kỳ lạ, đáng tôn kính, đã sống 100 năm trên cõi đời, trên quả
núi Cấm linh thiêng nhất vùng Cửu Long như đạo sĩ Ba Lưới, thì không có
lý do gì để bịa tạc những câu chuyện mua vui. Cả đời ông sống ẩn cư
trong rừng, thì ông còn màng gì thế sự, còn ham hố gì việc kể chuyện tào
lao cho nổi tiếng.





< Tượng Phật khổng lồ trên đỉnh núi Cấm, do đạo sĩ Ba Lưới vận động xây dựng.



Tôi hỏi đạo sĩ Ba Lưới: “Thưa ông. Con từ Hà Nội vào đây, mang theo một
câu hỏi mà bao năm nay con nghi ngờ mãi, đó là có rắn hổ mây khổng lồ
hay không?”. Đạo sĩ Ba Lưới tỏ ra bực dọc vì câu hỏi đó của tôi. Ông đã
định không tiếp tôi nữa. “Tui lấy danh dự của người sắp xuống lỗ để
khẳng định với anh rằng, rắn hổ mây khổng lồ là loài có thiệt, chứ không
phải chuyện tào lao. Già như tui có giống kẻ bịa chuyện hay không?” –
đạo sĩ Ba Lưới nói như vậy.



Theo đạo sĩ Ba Lưới, vùng Thất Sơn huyền bí không chỉ có rắn hổ mây
khổng lồ, mà còn có những loài khác, cũng to khủng khiếp, ấy là con
phướn, con rết.  Con phướn to lớn như hổ mây, nặng vài trăm ký. Nó chỉ
khác rắn hổ mây ở cái thân hình màu đen, và đầu dẹp như cá trê. Con
phướn phóng trên ngọn cây như giông bão. Khi nó săn mồi, cả cánh rừng
rung bần bật, cỏ cây táp đi. Nhưng nó là loài rất nhát, nên ít người
thấy nó ngoài các đạo sĩ ẩn tu lâu năm trong rừng.





< Đạo sĩ Ba Lưới và tác giả.



Xưa kia, đạo sĩ Ba Lưới thi thoảng gặp con phướn, nhưng 50 năm trở lại
đây thì nó biến đâu mất. Loài rết khổng lồ cũng to bằng bắp chân, có thể
xơi tái gà, vịt. Các đạo sĩ trên núi cũng thường bắt rết xiên vào cây
nướng trên than hồng làm món ăn. Thịt nó trắng và ngọt như thịt gà.
Nhưng loài rết khổng lồ cũng biến mất từ lâu rồi.



Để thông tin trung thực về cuộc chiến với rắn hổ mây khổng lồ ở núi Cấm,
tôi xin chép nguyên văn đoạn trao đổi với đạo sĩ Ba Lưới:



- PV: Thưa đạo sĩ, ông hãy kể cho độc giả, đặc biệt là những nhà nghiên cứu động vật được biết về rắn hổ mây.



- Đạo sĩ Ba Lưới: Rắn hổ mây khổng lồ nhiều người nhìn thấy, thậm chí
bắt được chứ không riêng gì tui. Tui thì gặp chúng thường xuyên, thậm
chí ở cạnh chúng suốt, nên tui rất rõ về nó. Nó có thân màu vàng, hơi
mốc. Màu vàng nhạt hơn trăn.





< Đạo sĩ Ba Lưới ẩn tu đã 80 năm trên núi Cấm.



Loài hổ mây khác với trăn là khi săn mồi hoặc tránh thân cây đổ, mỏm đá,
nó cất đầu rất cao, đến tận ngọn cây. Nó chạy rất nhanh khi ở trên cây,
phóng từ cây nọ sang cây kia tạo ra tiếng ồn như gió lốc. Nó sống ở sâu
trong rừng và lẩn trốn con người, nên ít người gặp được nó. Con hổ mây
cỡ lớn hết vòng tay ôm, to bằng cột nhà, bằng cây thốt nốt. Nó dài 20
mét. Thậm chí dài hơn.



- PV: Nghe nói ông dùng võ giết rắn?



- Đạo sĩ Ba Lưới: Tui luôn nhớ lời dạy của thầy nên cả đời tu tâm dưỡng
tánh, cứu người. Học võ cũng là học đạo, chứ không phải săn muông thú,
diệt muông thú. Nếu tui giết muông thú, liệu tui có sống được trăm tuổi ở
rừng già này không? Tui hại muông thú, tui sẽ bị thú ăn thịt lâu rồi.
Việc tui giết rắn cũng là bất đắc dĩ, vì nó nổi điên đòi ăn thịt tui.



- PV: Ông kể chuyện giết hổ mây đi ạ?



- Đạo sĩ Ba Lưới: Tui giết con hổ mây đầu tiên là năm 1944, khi đó tui chừng 30 tuổi, đã tu luyện trên núi được 10 năm.





Lúc đó rừng rú hoang rậm lắm. Cả vùng núi, và đồng ruộng mênh mông không
có bóng người, toàn cây cối, đầm nước, thú dữ. Cả vùng Bảy Núi chỉ có
các đạo sĩ và học trò sinh sống, chứ không có dân cư. Chỉ những người
tinh thông võ nghệ, biết thuốc trị rắn mới dám vào rừng ở. Trong rừng,
rắn độc nhiều vô số, rắn khổng lồ, trăn khổng lồ vắt lủng liểng trên đọt
cây.



Tuy nhiên, giới đạo sĩ chúng tui không giết rắn, không xâm phạm nơi ở
của chúng, nên chúng cũng không làm hại con người. Rắn hổ mây có thể
nuốt trâu, bò, sơn dương, lợn rừng. Nó bò ra mép sông nuốt cá sấu, nhưng
tuyệt nhiên không dám tấn công các đạo sĩ. Nhưng rồi, không hiểu sao,
một con hổ mây ở cạnh nơi tôi tu luyện lại đổi tính nết, đòi ăn thịt
tui.



Bình thường, các buổi trưa, tui vẫn thấy nó quấn trên hai ngọn cây, thả
thân võng xuống đong đưa. Nhưng rồi đột nhiên, nó đi đâu mất, mấy tháng
không thấy bóng dáng. Tháng 4 cỏ cháy, rừng cháy, chiến tranh bom đạn,
khí trời nóng ran. Có lẽ do trời nóng, nên con rắn thay đổi tính nết, từ
hiền lành sang hung dữ. Cũng có thể do không kiếm được mồi, đói ăn, nên
nó đòi ăn thịt tui.





< Rắn hổ chúa khổng lồ, dài 7m, nặng 20kg bắt được ở Lào Cai.



Đầu giờ sáng, tui vác đòn gánh vào rừng hái thuốc. Chiếc đòn gánh ấy làm
từ loại gỗ rất cứng, tròn, to bằng bắp chân, một đầu nhọn, một đầu tù.
Tui thường buộc cây thuốc thành bó, xiên đòn vào tâm bó gánh về. Tui
cũng dùng chiếc đòn gánh tới 200 ký đá để luyện công.



Đi nửa dốc, thì con hổ mây đó bò ra chặn đường. Bình thường thấy người
hổ mây chạy mất dạng, đằng này nó lại bò ra giữa đường chặn tui. Chờ một
lát, không thấy nó bỏ đi, mà ngóc đầu lên nhìn tui. Tui bực mình nhặt
hòn đá ném về phía nó, nhưng nó không bỏ đi mà rùng rùng chuyển động,
cất đầu cao đến 5 mét.



Cái đầu nó bạnh ra to đúng bằng cái nia, chiều ngang cỡ một mét. Đầu nó
đu đưa, lưỡi thè ra, mắt dòm thẳng xuống tui. Nhìn thái độ của nó, tui
biết là nó sẽ tìm cách nuốt chửng tui. Tui vung đòn gánh thủ thế tìm sơ
hở của nó.



Sống ở rừng lâu năm, quá hiểu loài hổ mây, nên tui giữ tinh thần bình
tĩnh. Nếu mất tinh thần là chỉ có làm mồi cho nó. Loài hổ mây phóng trên
ngọn cây như giông bão thì con người làm sao chạy thoát được nó. Loài
khỉ đu ào ào trên ngọn cây nó còn tóm được, nói gì con người chạy dưới
đất.



Tui thủ thế đoán định hướng tấn công của nó, còn nó nhòm tui tìm sơ hở.
Loài hổ mây tuy mạnh nhưng rất dốt. Nó nhòm về bên nào, thì sẽ tấn công
bên đó.





- PV: Trong hoàn cảnh con rắn ngáng đường, định tấn công, sao ông không tìm cách tránh nó?



Đạo sĩ Ba Lưới: Loài hổ mây chạy như gió cuốn, bão giông, nên nó đã chí
ăn thịt ai, thì người đó không thể thoát được. Nếu lúc đó tui không vững
tâm, mà chạy trốn, thì nó sẽ phóng theo nuốt chửng. Tui chẳng còn cách
nào ngoài việc đối mặt với nó.



- PV: Chắc rằng ông sử dụng thế võ mà ông hay gọi là Bình phong lạc nhạn?



Đạo sĩ Ba Lưới: Khi tui thủ thế với chiếc đòn trong tay, nó chuyển động
cái đầu, sàng qua sàng lại, rồi đột ngột há miệng chụp thẳng xuống đầu
tui. Tui dùng thế Bình phong lạc nhạn tung người lên không trung vừa
tránh cú chụp của nó, vừa vung đòn liên tiếp vụt vào sống lưng và cổ nó.



Các cụ bảo đánh rắn đánh vào sống lưng, nhưng con rắn hổ mây to quá, da
dày, nên vụt vào sống lưng nó chẳng ăn thua gì. Trúng mấy cú đánh, con
rắn càng hung dữ. Nó thu người, cất đầu lên cao, rồi chụp xuống liên
tục. Lúc này tui mới hiểu được giá trị của thế võ Bình phong lạc nhạn mà
thầy tui truyền cho. Với khả năng bật lên không trung, bay qua vồ (mỏm
đá, mỏm núi), tui mới tránh được những cú mổ của con rắn khổng lồ.





< Đỉnh núi Cấm huyền thoại.



Lúc đó, cả cảnh rừng như có giông bão. Cây cối rung bần bật. Con rắn
càng đánh càng hăng. Tui dù khỏe thế, nhưng đối phó với nó mãi thì có
dấu hiệu đuối sức. Khi đó tui nghĩ nếu không hạ được nó sớm, thì chắc
chắn bị nó ăn thịt.



Sau cú mổ trượt, tui phi thân ra phía đuôi nó, để nó mất thời gian đổi
hướng. Tui thủ thế, tập trung năng lượng tinh thần để ra đòn quyết định.
Con rắn cũng cất đầu lên tận ngọn cây, từ từ hạ xuống cách đầu tui vài
mét. Đôi mắt nó đỏ rực. Có vẻ như nó cũng sẽ ra đòn quyết định với tui.



Nó há cái miệng đỏ lòm, rồi chụp xuống rất mạnh. Tui lùi lại 3 bước
tránh cú mổ của nó. Tui bật lên tận ngọn cây. Con rắn chụp trượt thì cất
đầu lên tính chụp tiếp, còn tui từ trên không rơi xuống. Tui tung liên
tiếp 3 cú đánh trúng đầu. Cú đánh cuối cùng khiến chiếc đòn gãy đôi.



Tui rơi xuống trong tư thế vững vàng, sẵn sàng tiếp tục chiến đấu, nhưng
con rắn thì đổ oặt xuống đất. Đầu nó bất động, nhưng thân còn vùng vẫy
mãi mới chịu thôi. Tui phải ra liền 3 đòn, mới hạ được nó. Đòn thứ nhứt
tui đập bể sọ nó, còn đòn thứ nhì, thứ ba, tui đập vỡ óc nó. Lúc đó, tui
lại ngộ thêm ra được công năng đặc biệt của thế võ này. Do vậy, sau đó,
tui càng tập luyện kỹ càng để hoàn thiện hơn.





< Đỉnh núi Cấm giờ thành địa danh du lịch nổi tiếng vùng Cửu Long.



- PV: Vậy khi đó có ai chứng kiến việc ông giết con rắn?



Đạo sĩ Ba Lưới: Hạ con rắn rồi, tui xuống núi gọi người dân vào rừng xẻ
thịt rắn mang về ăn. Chỉ có hơn chục người dám theo tui vào núi lấy thịt
rắn. Phần lớn người dân sợ rắn trả thù, nên không dám vào xem.



Ngày xưa, người dân ở đây sợ rắn hổ mây lắm, họ gọi là ông rắn, ngài
rắn, chứ không dám gọi con rắn đâu. Họ sợ ăn thịt hổ mây thì sẽ bị hổ
mây đòi mạng. Một số người vào rừng xem con rắn giờ đã già lắm, nhưng
hầu hết là chết rồi. Họ có thấy tui giết rắn, họ mới tin tui đánh nhau
với hổ mây chứ. Ai ở vùng Bảy Núi này chẳng biết đạo sĩ Ba Lưới đánh hạ
hổ mây khổng lồ.



- PV: Vậy cụ thể con rắn đó lớn như thế nào ạ?





< Tiêu bản rắn hổ mây ở trại Đồng Tâm.



Đạo sĩ Ba Lưới: Ngày đó chuyện gặp rắn, trăn lớn và giết chúng rất bình
thường, có ai để tâm tính toán hay đem cân đâu. Tuy nhiên, tui cùng
những người xẻ thịt con rắn áng chừng nó dài hơn 20 mét, nặng cỡ 500 ký.
Thân nó bằng cây thốt nốt già. Tui ôm thử hết một vòng tay.

Chuyện tui hạ rắn hổ mây khổng lồ ở vùng này ai chẳng biết. Cậu không tin thì cứ đi hỏi những người già quanh núi Cấm sẽ rõ.



- PV: Thế còn lần thứ 2 ông hạ rắn khổng lồ...



Đạo sĩ Ba Lưới: Lần thứ hai vào năm 1960, lúc tui 50 tuổi. Ở cánh rừng
chỗ tui ở có đàn khỉ đến cả trăm con. Bọn khỉ sống với tui chân tình
lắm. Chúng mò vào lều tui xin ăn. Xin không được thì chúng ăn trộm. Tui
trồng được bao nhiêu bắp, chúng bẻ trộm hết.



Thế nhưng, một ngày, con hổ mây tìm về khu rừng này. Cứ mỗi lần nghe
tiếng ào ào như nổi cơn giông, thì biết ngay con rắn đang săn đàn khỉ.
Đàn khỉ bị nó ăn vãn. Sợ con rắn, nên chúng kéo đi nơi khác. Không săn
được mồi, con rắn quay sang ăn chó của tui. 10 con chó tui nuôi nó đều
ăn hết.





< Cặp rắn bê-tông ông Sơn đắp ở núi két để... dọa rắn hổ mây.



Giống chó tui nuôi là chó săn, bắt được rắn hổ chúa, hổ hèo, nhưng thấy
hổ mây thì không kêu nổi, cứ ngồi im run bần bật chờ nó mổ. Nhưng quy
luật rừng xanh là thế, nên tui cũng chẳng thù oán gì nó. Chỉ có điều, ăn
hết đàn chó, thì nó đòi ăn thịt tui. Khi đó, công phu của tui đã hoàn
thiện, nên coi thường rắn hổ mây lắm. Biết trước sau nó sẽ ăn thịt mình,
nên đi đâu tui cũng mang quéo (dao phát rừng). Chiếc quéo này dài 2m,
do tui tự rèn.



Bữa đó, đang vào rừng hái thuốc, thì nghe tiếng chạy re re từ xa. Tiếng
xào xạc mỗi lúc một gần. Rồi con rắn hổ mây khổng lồ ấy bò đến trước mặt
tui. Con rắn này rất hung dữ, lại đói mồi, nên không thèm cất đầu lên
rồi mới chụp xuống, mà nó há miệng và nhắm thẳng tui phóng tới. Trông
cái cách tấn công hung hăng của nó, tui biết nó quá chủ quan. Không thể
sống hòa bình với con rắn này nữa. Không ăn thịt được tui, thì nó cũng
ăn thịt người khác, nên trong tích tắc tui quyết hạ nó.



Nó vừa phóng tới thì tui sử dụng thế võ Bình phong lạc nhạn, tung người
lên không trung. Con rắn vồ hụt mồi, chưa kịp quay đầu lại, thì chiếc
quéo tui cầm trên tay đã cắt đứt đầu nó. Tui giết con rắn này quá dễ
dàng, chỉ trong chưa đầy một giây. Con rắn này cũng không lớn bằng con
đầu tiên tui giết, nhưng cũng phải dài cỡ 15 mét và nặng chừng 300 ký.





< Núi Két, cách núi Cấm không xa, được đồn đại vẫn còn rắn hổ mây khổng lồ.



Theo đạo sĩ Ba Lưới, sau vụ giết con hổ mây thứ hai, ông ít gặp lại
những con rắn khổng lồ như thế. Ông chỉ còn gặp những con hổ mây nặng cỡ
200 kg mà thôi. Ông cũng cho biết, ông thường gặp chúng ẩn nấp ở hang
Mây trên núi Cấm. Nơi đó ít người qua lại, vách đá hiểm trở, loài rắn hổ
mây trú ngụ, nên các đạo sĩ mới gọi là hang Mây.



Tôi hỏi ông rằng, liệu bây giờ trên núi Cấm còn rắn hổ mây hay không,
đạo sĩ Ba Lưới cho rằng, có thể vẫn còn hổ mây, nhưng con người chiếm
hết môi trường sống, nên chúng lẩn sâu vào trong hang động, không dám ra
ngoài. Cũng có thể chúng đã bỏ sang núi non bên Campuchia từ mấy chục
năm trước.



Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ nhân ngọn núi Két ở vùng Thất Sơn vẫn tin rằng
còn rắn hổ mây to. Vì sợ hổ mây tấn công, nên ông đã cho đắp 2 rắn hổ
mây khổng lồ bằng bê-tông để dọa chúng, xua đuổi chúng. Ông Sơn tin lời
người xưa, rằng loài hổ mây chỉ sợ những loài lớn hơn chúng, nên ông đắp
rắn bê-tông thật to, có mào, mắt đỏ rực, miệng há hung dữ. Ông Sơn cho
rằng, vùng Thất Sơn hang động rất nhiều, núi nọ thông với núi kia, nên
chúng ẩn trong lòng núi thì không ai thấy được.





http://dulichgo.blogspot.com/2012/09/tran-cuong-phong-giua-ai-ngan-voi-ho.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

WIDGET VÍ DỤ