Liveshow
diễn ra vào ngày 13 tháng 5 năm 2012 tại La Mirada Theater, South
California USA. Show qui tụ nhiều nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng tại hải ngoại
và Việt Nam như: Văn Chung, Phượng Liên, Lệ Thủy, Hồng Nga, Ngọc Đáng,
Bảo Quốc, Chí Tâm, Thành Được, Hương Huyền, Ngọc Huyền, Phương Hồng
Thủy, Linh Tâm, Tuấn Châu, Mai Thế Hiệp, Thanh Kim Mỹ, Hồng Loan, Xuân
Mỹ, Đình Trí, Mạnh Quỳnh, MC Thanh Tùng, Tuấn Phong, Quang Thành, Dương
Việt Trường, Kiệt Kỳ An, Tường Văn, Thái Thành, Thế Long, Bảo Lộc,
Phương Hà, Ái Xuân, Yến Linh, Cẩm Hiền, Thu Hồng, Chí Sang, Vĩnh Khang,
Đăng Khoa. Liveshow mang tên Đêm Vinh Danh Soạn Giả Viễn Châu- Nữa Thế
Kỉ, Huyền Sử Bài Tân Cổ Giao Duyên.








Khán giả mộ điệu cải lương và nghệ sĩ, nhạc sĩ cổ nhạc không ai không
biết đến soạn giả tài hoa Viễn Châu. Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, là
người con thứ bảy trong một gia đình Nho học trung nông tại xã Đôn Châu,
huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.







Nửa thế kỷ Tân Cổ Giao Duyên – vinh danh soạn giả Viễn Châu



Ông còn được biết đến trong vai trò một nhạc sư, một danh cầm đàn tranh
có ngón đờn tuyệt hảo trong các chương trình đờn ca tài tử, với một tên
gọi khác là nhạc sĩ Bảy Bá. Ông là một trong những “cây đại thụ” trong
giới soạn giả sân khấu cải lương miền Nam, là soạn giả đã khai sinh ra
thể loại tân cổ giao duyên cách nay 50 năm; ông cũng là người viết tân
cổ giao duyên hay nhất, nhiều nhất từ trước tới nay với khoảng 2.000
bài; và cũng đã được các soạn giả, các nghệ sĩ, khán giả suy tôn là “ông
vua viết bài vọng cổ”. Ông là người góp phần tạo danh cho các nghệ sĩ,
qua nhiều sáng tác do ông “đo ni đóng giày” cho từng giọng ca, đã được
đông đảo người nghe yêu thích, như cố nghệ sĩ Út Trà Ôn với "Tình Anh
Bán Chiếu", “Ông Lão Chèo Đò”, “Gánh Nước Đêm Trăng”, cố nghệ sĩ Tấn Tài
với "Mùa Xuân Của Mẹ", cố nghệ sĩ Thanh Nga với "Nguyệt Kiểu Xuất Gia"
và "Hai Lối Mộng", cố nghệ sĩ Hữu Phước với bài “Tần Quỳnh Khóc Bạn”,
“Bông Ô Môi” “Mục Liên Tìm Mẹ”... Nghệ sĩ Bạch Tuyết với "Hai Sắc Hoa
Ti-gôn", nghệ sĩ Mỹ Châu với bài "Hòn Vọng Phu", nghệ sĩ Minh Cảnh với
“Võ Đông Sơ”, “Sầu Vương Ý Nhạc”, nghệ sĩ Thành Được “Biệt Kinh Kỳ”…
Nghệ sĩ Lệ Thủy “Cô Hàng Chè Tươi”, “Bạch Thu Hà”. Nghệ sĩ Phượng Liên
với “Đêm Khuya Trông Chồng”, những bài vọng cổ hài trào lộng, đả kích
trước tấn trò đời, đánh thức những tâm hồn u mê lầm lạc, qua giọng ca
độc đáo của nghệ sĩ Văn Hường…






Cảnh đoàn viên trong trích đoạn “Hoa Mộc Lan” - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông



Từ tấm lòng quí yêu tài năng của soạn giả Viễn Châu qua các tác phẩm và
mến thương tấm lòng nhân hậu của ông dành cho các nghệ sĩ, nghệ sĩ
Phượng Liên, nghệ sĩ Mai Thế Hiệp và New Saigon Entertainment đã thực
hiện chương trình live show dài hơn 4 giờ đồng hồ (có ghi hình để phát
hành DVD), được dàn dựng đẹp mắt, đặc sắc, với chủ đề “Nửa Thế Kỷ Huyền
Sử Tân Cổ Giao Duyên – Vinh Danh Soạn Giả Viễn Châu” tại nhà hát La
Mirada, Quận Cam, trong ngày Hiền Mẫu, 5 giờ chiều Chủ Nhật, 13-5-2012
vừa qua, khán giả đến tham dự gần như không còn ghế trống. Trước đó, vào
ngày 11-5-2012, chương trình đã diễn ra tại San Jose cũng rất thành
công.






Nhạc cảnh “Sầu Vương Ý Nhạc” do nghệ sĩ Mạnh Quỳnh thể hiện, cùng em
gái nhỏ Jenny Đan Anh và các thành viên của nhóm múa Việt Cầm minh họa -
ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông



Người soạn giả của thể loại tân cổ giao duyên



“Nửa Thế Kỷ Huyền Sử Tân Cổ Giao Duyên – Vinh Danh Soạn Giả Viễn Châu”
là chương trình đã quy tụ được rất đôngnghệ sĩ từ Việt Nam và đang định
cư tại Hoa Kỳ, với nhiều thế hệ tham gia: từ nghệ sĩ lão thành Văn
Chung, Thành Được, Phước Hậu, Phượng Liên,Lệ Thủy, Bảo Quốc, Hương
Huyền, Hồng Nga, Ngọc Đáng, Chí Tâm, Linh Tâm, Phương Hồng Thủy, Thanh
Kim Mỹ, Tuấn Châu, Ngọc Huyền, đến nghệ sĩ Hồng Loan,Mai Thế Hiệp, Xuân
Mỹ, Tuấn Phong, Mạnh Quỳnh... và phần múa minh họa của các thành viên
nhóm múa Việt Cầm, MC Thanh Tùng điều khiển chương trình.

Chia sẻ về ý nghĩa thực hiện chương trình, nghệ sĩ Phượng Liên nói với
phóng viên nhật báo Viễn Đông: “Là nghệ sĩ cải lương, ngoài giọng ca
chưa đủ, thinh sắc vẹn toàn chưa đủ, mà chính các soạn giả là những
người đã tạo những nấc thang cho nghệ sĩ bước lên vinh quang nghề
nghiệp. Vì vậy chúng tôi thực hiện chương trình Nửa Thế Kỷ Huyền Sử Tân
Cổ Giao Duyên – Vinh Danh Soạn Giả Viễn Châu là để tri ân người soạn giả
tài hoa Viễn Châu và những tác phẩm để đời của ông”.

Được biết toàn bộ doanh thu của đêm diễn sau khi trừ đi chi phí tổ chức,
sẽ được ban tổ chức chuyển về nước trao tặng soạn giả Viễn Châu và làm
công tác từ thiện. Chỉ tiếc rằng, vì tuổi hạc đã cao (89 tuổi) soạn giả
Viễn Châu không thể đến Hoa Kỳ tham dự đêm diễn ý nghĩa này, nhưng trước
giờ biểu diễn, ban tổ chức đã chiếu đoạn video clip ghi lại hình ảnh,
lời phát biểu của soạn giả Viễn Châu được gửi ra từ trong nước, nhằm tri
ân khán giả hải ngoại đã thương yêu vọng cổ nói chung và tân cổ giao
duyên nói riêng.

Chương trình được mở đầu với nhạc cảnh trên nền ca khúc Hòn Vọng Phu
(sáng tác Lê Thương) do các ca sĩ trẻ nhóm Làn Sóng Việt, Mai Thế Hiệp…
thể hiện, cùng phần múa minh họa của nhóm múa Việt Cầm, nối kết sang bài
vọng cổ “Bạch Thu Hà” và “Võ Đông Sơn” (được soạn giả Viễn Châu sáng
tác từ năm 1960) do nghệ sĩ Chí Tâm, Linh Tâm, Tuấn Châu, Tuấn Phong
trong vai Võ Đông Sơn và nghệ sĩ Phượng Liên, Phương Hồng Thủy, Hồng
Loan, Xuân Mỹ trong vai Bạch Thu Hà, đã tạo được sự rung cảm cho người
xem. Những câu ca “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, đường dài mịt mùng em
không tới nơi” đã trở nên rất quen thuộc với khán giả mê cải lương. Qua
ngòi bút tuyệt vời của soạn giả Viễn Châu, những câu ca đẹp nhất của
bài ca cổ như “Hãy gọi tên anh trong những chiều xuân lạnh khi cánh nhạn
bay về cuối nẻo trời xa. Hay những lúc canh khuya tựa rèm châu ngắm áng
trăng tà, nàng hãy nhớ đến tháng năm này, có một người yêu đã vùi thây
giữa vùng cát trắng”. Hay “Ta cảm thấy máu ngừng trong nhịp thở, rút
gươm thiêng mà dòng lệ tuôn sa. Khắc vào cây ba chữ Bạch Thu Hà để kỷ
niệm ngày ta không gặp nữa”. Cũng như “Đàn đứt dây rồi phím đã long, làm
sao dạo được bản tương phùng. Thiếp gởi niềm đau theo giọt lệ tình
trống…” đã giúp Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà là nhân vật trong tiểu thuyết
“Giọt Máu Chung Tình” của nhà văn Tân Dân Tử trở nên “bất tử” trong ký
ức khán giả mộ điệu cải lương, và rồi lan tỏa rộng khắp Nam Kỳ lục tỉnh
thời bấy giờ, cho đến nay, nó vẫn vẹn nguyên giá trị trong trái tim khán
giả.



Các nghệ sĩ trong vai Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà, mỗi người một vẻ, qua
cách ca cách ngâm giàu biểu cảm của mình, đã tạo nên bức tranh đẹp cho
tác phẩm, mô tả trọn vẹn cảm xúc của tình yêu đôi lứa, chí khí anh hùng,
lòng trung trinh tiết liệt của mối tình Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà.

Dù đã giã từ sân khấu cách nay hơn 4 năm, nhưng nghệ sĩ Thành Được (nay
đã 79 tuổi) đã trở lại sân khấu, ca lại bài tân cổ giao duyên “Biệt Kinh
Kỳ” đã được soạn giả Viễn Châu sáng tác riêng cho ông. Dù nay giọng ca
của ông đã không còn sung sức như trước đây, nhưng ông vẫn tạo được cảm
xúc cho khán giả qua cách nhả chữ, sắp vần của mình.

Nghệ Sĩ lão thành Văn Chung, dù đã 85 tuổi, đến góp vui trong chương
trình bằng2 câu vọng cổ hài mà ngày xưa soạn giả Viễn Châu đã viết cho
ông thật hóm hỉnh, duyên dáng, mô tả “máu dê” của người đàn ông cùng với
kiểu cười rất riêng và độc đáo của Văn Chung.

Bằng chất giọng ngọt ngào đậm phong vị miền Nam, nghệ sĩ Lệ Thủy đã đem
lại thích thú cho khán giả qua bài ca cổ “Cô Gái Bán Sầu Riêng”: “Em bán
sầu riêng chớ tình duyên em không bán, em e thẹn trả lời anh rồi đưa
anh đi thăm vườn sầu riêng gió thổi tóc em bay theo con bướm trắng
lượn... quanh mình”.

Nghệ sĩ Lệ Thủy đã chia sẻ với khán giả trong đêm diễn về kỷ niệm của
chị năm 14 tuổi, soạn giả Viễn Châu đã sáng tác cho riêng chị bài “Cô
Hàng Chè Xanh”. Khi thu âm xong, đĩa này lại phổ biến sau bài “Chàng Là
Ai”, do đó, có thể xem bài “Chàng Là Ai”của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, do
soạn giả Viễn Châu viết lời vọng cổ, hãng dĩa Hồng Hoa phát hành, là
bước đệm đầu tiên để hình thành trào lưu sáng tác tân cổ giao duyên sau
này.

Nếu nhạc sĩ Cao Văn Lầu có công khai sinh ra bản vọng cổ “Dạ Cổ Hoài
Lang”, thì soạn giả Viễn Châu là người đã nâng bản vọng cổ lên một sắc
thái mới, khiến nó trở nên hay hơn, đẹp hơn, từ nhạc điệu, ý thơ, tính
văn chương, điển tích văn học và hơn hết là cái thần, là ý tình luôn
đong đầy trong hàng ngàn tác phẩm của ông. Ông đã mạnh dạn cách tân bằng
cách ghép tân nhạc, ngoài những bản vọng cổ bi ai, sầu thảm ông còn đưa
chất hài vào bản vọng cổ truyền thống. Các chi tiết, tâm lý, tính cách
nhân vật ở mỗi tác phẩm của ông dù là ở một vở tuồng cải lương hay chỉ
qua một bài vọng cổ, đều thể hiện tròn đầy, vua ra vua, dân ra dân,
người nghèo khổ khác người sang trọng… góp phần làm cho nó quyến rũ hơn,
sinh động hơn, nâng nó lên một tầm vóc mới, mạnh dạn cách tân bằng cách
ghép tân nhạc và đưa chất hài vào bản vọng cổ truyền thống.






Trích đoạn “Hoa Mộc Lan” do nghệ sĩ Phượng Liên (trong vai Bội Ngọc),
nghệ sĩ Phước Hậu (cha của Bội Ngọc), Ngọc Huyền trong vai Hoa Mộc Lan,
Linh Tâm (anh trai của Bội Ngọc). Ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông



Trong chương trình, qua nhạc cảnh “Sầu Vương Ý Nhạc”, soạn giả Viễn Châu
đã đưa người nghe vào một chuyến xe bên cầu Bến Lức, nghe em bé hát dạo
cất “lời ca tức tưởi giữa cung sầu” bên cạnh một ông lão tật nguyền.
Bài cổ nhạc này qua giọng ca của nghệ sĩ Mạnh Quỳnh khiến nhiều người
chạnh lòng thương cảm: “Chiếc đàn long phím tang thương như một kiếp cơ
hàn”, “đôi hố mắt sâu thăm thẳm như chứa đựng một nỗi niềm dĩ vãng xa
xăm”, “lời ca ngây thơ vụng dại” của cô bé 9 tuổi Jenny Đan Anh đến từ
thành phố San Jose trong vai em bé hát rong, đã nhận được nhiều sự cảm
mến của khán giả, nhiều người đã lên sân khấu tặng tiền tip vào chiếc
lon “đạo cụ” của em!

Vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu” mà soạn giả Viễn Châu đã dành cho anh bán
chiếu vô danh, cho những người yêu mảnh đất, con người miền Nam. Một mối
tình đơn phương tuyệt vọng xen lẫn với những nỗi nhọc nhằn của những
người lao động chân tay, tạo nên một nét đẹp thuần chất, tự nhiên, được
thể hiện qua các nghệ sĩ Tuấn Hải, Hoàng Dũng, Philip Nam, Vĩnh Khang.

Lần lượt các bản vọng cổ được dàn dựng như một nhạc cảnh, được thể hiện
nhiều màu sắc: “Tình Đẹp Mùa Chôm Chôm” (Phương Hồng Thủy, Linh Tâm),
“Chút Tình Dạ Cổ Hoài Lang” (Chí Tâm, Phượng Liên, Hồng Nga …), “Phạm
Lãi Biệt Tây Thi” (Phương Hồng Thủy-Quang Thành), “Giọt Lệ Hàn Giang”
(Mai Thế Hiệp trong vai Tiết Đinh San, Ngọc Huyền trong vai Phàn Lê
Huê)…

Nét độc đáo trong từng bản vọng cổ của soạn giả Viễn Châu luôn luôn mang
đến một câu chuyện, một số phận, một không gian sống động hòa quyện
nhau một cách hoàn hảo. Nó như một chuyện tình ngắn, một bài thơ tâm sự,
mỗi bài đều có nhân vật khác nhau, tâm tình khác nhau, câu chuyện khác
nhau, tình cảm của người đời éo le, trắc trở... Với giọng văn bình dị,
theo kiểu biền ngẫu gieo vần, ngôn ngữ đậm chất thơ, rất nhẹ nhàng trong
sáng. Nên người ca dễ ca, người nghe dễ cảm với những ý tứ gần gũi với
đời thường, khiến khán giả cảm động và nhớ mãi. Và cũng chính từ những
giọng ca có làn hơi đẹp, mượt mà của các nghệ sĩ đã là cầu nối để chuyển
tải cái đẹp của từng câu chữ, từng giai điệu của soạn giả Viễn Châu
thành những thanh âm tuyệt đẹp để khán giả thưởng thức.



Những vở diễn cải lương để đời



Riêng trong sang tác vở tuồng cải lương, soạn giả Viễn Châu bắt đầu sáng
tác từ năm 1950, lúc ông đang đờn cho gánh ca kịch Năm Châu. Cố nghệ
sĩ, soạn giả Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) đã động viên và hướng dẫn ông
viết tuồng. Tác phẩm đầu đời của ông đã được soạn giả Năm Châu chăm sóc,
dàn dựng trên sân khấu gánh nhà là vở “Nát Cánh Lan Rừng”. Vở ăn khách
khá lâu với những nghệ sĩ tiền bối tham gia: Năm Châu, Kim Cúc, Bảy
Nhiêu, Thừa Vĩnh, Hai Thiên, Tố Nữ... nhạc sĩ Bảy Bá đã lấy ngay bút
danh là soạn giả Viễn Châu và đã tạo được dấu ấn với khán giả lúc bấy
giờ. Đến nay, sự nghiệp soạn vở cải lương của ông đã có hơn 50 kịch bản,
nhưng được xem là “để đời”, vì ăn khách sống lâu và được công chúng nhớ
đến nhiều nhất có Hoa Mộc Lan, Con Gái Hoa Mộc Lan, Chuyện Tình Hàn Mặc
Tử, Quân Vương Và Thiếp.

Trong đêm diễn lần này, khán giả đã được xem trích đoạn “Chuyện Tình Hàn
Mặc Tử” do nghệ sĩ Chí Tâm vai Hàn Mặc Tử và Phượng Liên vai Mai Đình,
đã đem lại không ít những giọt nước mắt của khán giả cảm thương se thắt
lòng trước số phận oan trái mà tạo hóa đã gây ra cho cuộc đời thi sĩ Hàn
Mặc Tử và mối tình thủy chung, giàu hy sinh của Mai Đình dành cho người
thi sĩ.

Đêm diễn đã kết thúc với trích đoạn cải lương 3 màn “Hoa Mộc Lan” do
nghệ sĩ Phượng Liên (trong vai Bội Ngọc), nghệ sĩ Phước Hậu (cha của Bội
Ngọc), Hồng Nga (Thu Sương, hầu cận Hoa Mộc Lan), danh hài Bảo Quốc
trong vai Hàn Vi (đây cũng là vai diễn hài đầu tiên của ông trong vở Hoa
Mộc Lan được soạn giả Viễn Châu viết cho đoàn Thanh Minh năm 1962),
Ngọc Đáng (mẹ của Hoa Mộc Lan), Hương Huyền (ba của Hoa Mộc Lan), Ngọc
Huyền trong vai Hoa Mộc Lan, Tuấn Châu (Lý Quảng), Linh Tâm (anh trai
của Bội Ngọc), Mai Thế Hiệp (tướng cướp)…






Các nghệ sĩ cám ơn và chào tạm biệt khán giả, kết thúc chương trình - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông



Khán giả đã thích thú với những màn chọc cười duyên dáng của các nghệ sĩ
Bảo Quốc, Hồng Nga, Linh Tâm và tài ca diễn, vũ đạo của Ngọc Huyền, lời
ca mượt của nghệ sĩ Phượng Liên tạo nhiều cảm thương cho khán giả qua
vai Bội Ngọc, nàng tiểu thư khuê các vì cảm kích mà trót yêu Hoa Mộc
Lan, thủy chung đợi chờ Hoa Mộc Lan tùng chinh đánh giặc 10 năm trường.

Soạn giả Viễn Châu có gia tài hơn 2.000 bản vọng cổ và hơn 50 vở diễn
cải lương, qua chương trình “Nửa Thế Kỷ Huyền Sử Tân Cổ Giao Duyên –
Vinh Danh Soạn Giả Viễn Châu” khán giả đã thưởng thức được phần nào nét
tinh túy, đặc thù của ngòi bút tuyệt hảo này. Nhờ sự chăm chút của các
nghệ sĩ tham gia và người dàn dựng chương trình đã giúp người xem cảm
được cái tình, cái cảnh và cuộc sống của vùng sông nước phương Nam – như
một lời giới thiệu cho khách phương xa và chia sẻ tình yêu với những
tâm hồn người Việt xa xứ, trong tim luôn canh cánh nhớ về mảnh đất “chôn
nhau cắt rốn”, để kịp thời lưu lại những giá trị quí giá của cải lương
qua những sáng tác của soạn giả Viễn Châu, để truyền đến con cháu ngày
sau tại hải ngoại. - (BH)






Tác giả bài viết: Băng Huyền/Viễn Đông